Phong Thuỷ xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ?

Nguồn gốc của Thuật Phong Thuỷ bắt nguồn từ Trung Quốc vì Trung Quốc là 1 trong những cái nôi văn minh của nhân loại, họ có chữ viết sớm hơn ta, người Trung Quốc nhờ tìm ra Nam châm họ đã sáng chế ra La bàn, họ còn phát minh ra thuốc súng, ra giấy viết, ra mực in, ra kính thiên văn,…
Nước ta là 1 trong 3 nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa nhiều nhất. Người ta gọi là Tứ quốc đồng văn gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên (cả Hàn Quốc) và Trung Quốc.
Vì vậy Thuật Phong Thuỷ được du nhập vào Việt Nam cùng với sự xâm chiếm của người Trung Quốc, nổi bật nhất là Cao Biền (đời nhà Đường) được cử sang làm “Giao Châu đò hộ sứ” (tên nước ta hồi đó) từ năm 865 đến năm 875 sau công nguyên. Trong vòng 10 năm ông ta đã yểm ở đất Giao Châu 623 huyệt chính phát đế và 1517 huyệt bàng phát quan để cho nước Nam không có người làm quan, làm vua và phải chịu sự cai trị của người Tàu. Tuy nhiên, việc yểm của Cao Biền có kết quả thế nào thì lịch sử đã chứng minh.
Thuật Phong Thuỷ ở Việt Nam chỉ được chính thức ghi lại thành sách từ thời cụ Tả Ao (cụ tên thật là Nguyễn Đức Huyên, sinh ra ở làng Tả Ao huyện Nghi Xuân- Hà Tĩnh ngày nay thời Vua Lê- Chúa Trịnh, thế kỷ thứ 16 sau Công Nguyên) – sẽ có dịp giới thiệu kỹ hơn về Cụ trong 1 bài viết khác.
Thực ra trong kinh nghiệm dân gian của người Việt ta từ xa xưa (không xác định mốc thời gian) đã truyền tụng nhau câu ca dao:
“Lấy vợ hiền hoà,
Làm nhà hướng Nam”.
Hay: “Chuồng lợn tránh hướng Đông
Thổ Công tránh hướng Bắc”.
“Chuồng gà hướng Đông
Cái lông chẳng còn”.
Khi ta làm nhà bao giờ các cụ cũng dặn con cháu phải nhớ nguyên tắc: “Toạ sơn, hướng thuỷ” tức là lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông, còn ở Đồng Bằng thì theo nguyên tắc:
“Đằng trước có cau
Đằng sau có chuối”.
Trong dân gian người ta còn lưu truyền câu chuyện tình cảm của một đôi trai gái bằng mấy vần thơ mà đầy ý nghĩa về Phong Thuỷ.
– Chàng trai hỏi cô gái:
“Cô kia kết tóc đuôi gà
Nắm tay giật lại hỏi nhà cô đâu?”
– Cô gái trả lời:
“Nhà em ở trước đám dâu
Đằng sau đám đậu (đỗ) đầu cầu ngó qua”.
Đấy là nói về Dương Trạch còn về Âm Trạch (mồ mả) trong dân gian cũng lưu truyền nhiều câu ca dao:
“Thứ nhất hướng mộ
Thứ nhì hướng nhà
Thứ ba ngày sinh tháng đẻ”.
Hay câu:
“Làm quan có mả
Kẻ cả có dòng”.
– “Sống về mồ mả
Ai sống về cả bát cơm”
– “Sống mỗi người một nhà
Chết mỗi người một mồ”.
Tóm lại, Thuật Phong Thuỷ từ lâu đã thấm sâu vào trong đời sống của con người, không phải chỉ có người Phương Đông mới quan tâm đến Phong Thuỷ mà cả người Phương Tây hay bất kể một dân tộc nào trên thế giới đều quan tâm chỉ có điều mức độ quan tâm nhiều hay ít và các quan niệm thì sẽ có khác nhau. Nhưng cái đích chung là cùng tìm đến và tạo ra được một môi trường sống tốt nhất.
Vì vậy, ngày nay người ta định nghĩa Thuật Phong Thuỷ là khoa học về môi trường. Thật vậy, Thuật Phong Thuỷ không những là một khoa học mà còn là tổng hợp của nhiều môn khoa học khác như: Thiên văn học, Địa lý học, Môi trường học, Kiến trúc học, Mỹ học và Lý luận học. Hiểu được Thuật Phong Thuỷ và vận dụng Thuật Phong Thuỷ vào cuộc sống chính là biết vận dụng những điều kiện tối ưu mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Đúng như cổ nhân đã đúc kết là:
“Thuận thiên giả tồn
Nghịch thiên giả tử”.

Đỗ Huy Chúc

 

Cho chúng tôi biết ý kiến của bạn