Các quan điểm về phong thủy

Những năm gần đây trên thị trường sách ở nước ta xuất hiện quá nhiều đầu sách viết về Phong Thuỷ. Nếu bạn nào đọc nhiều chắc bạn sẽ phát hiện thấy có rất nhiều quan điểm, nhiều trường phái khác nhau về Phong Thuỷ.
Có những cuốn sách cùng ở một nhà xuất bản nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau thậm chí trái ngược nhau, làm cho người đọc không biết tin vào sách nào? Đến nay cũng chưa có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào thẩm định và kết luận đâu là “nguỵ thư” đâu là “chân thư” tức là nên tin vào sách nào, không nên tin vào sách nào?
Xin nêu một vài ví dụ sau:
1.Về trường phái xem Phong Thuỷ nhà ở có phái Bát trạch, phái Phi tinh, phái Huyền không, phái Lý khí và phái Hình thể.
– Phái Lý khí giống như phái Bát trạch- coi trọng về phương hướng.
– Phái Hình thể coi trọng về hình thể xung quanh (còn gọi là loan đầu).
– Phái Bát trạch: Xem hướng nhà theo tuổi cố định.
– Phái Phi tinh: Xem vận hạn cát hung cho ngôi nhà theo từng năm. Như vậy, làm sao có thể thay đổi hướng nhà theo từng năm được?
2. Đọc thông tin trên mạng chúng ta còn thấy đại bộ phận các nhà Phong Thuỷ lấy hướng nhà theo phái Bát trạch cổ thư hán tự. Nhưng lại có người đưa ra cái gọi là phái Bát trạch Lạc Việt. Mà hai phái này hoàn toàn trái ngược nhau. Trở lại vấn đề nguồn gốc Thuật Phong Thuỷ, từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam từ xa xưa, ở Việt Nam mãi đến thời Vua Lê Chúa Trịnh (thế kỷ 16) mới có cụ Tả Ao là người viết sách Phong Thuỷ đầu tiên, thời Lạc Việt chưa có ai nghiên cứu và viết sách Phong Thuỷ, vậy tại sao lại có cái gọi là phái Bát trạch Lạc Việt?
Nhân đây, tôi cũng xin nói về thước Lỗ Ban. Người sáng chế ra thước là: Công Thâu Ban người nước Lỗ thời xuân khu chiến quốc ở Trung Quốc. Thế mà có người lại đưa lên mạng một loại thước có tên là thước Lỗ Ban Việt Nam thì thật là lạ?
3. Về việc tính giờ theo Can Chi.
Người Phương Đông cách đây mấy nghìn năm đã chia một ngày thành 12 giờ, khởi đầu là giờ Tý… kết thúc là giờ Hợi. Người ta tính thời gian của 1 đêm bằng canh giờ, từ canh 1 đến canh 5.
Còn người Phương Tây mãi đến thế kỷ thứ 14 sau công nguyên người ta mới sáng chế ra đồng hồ và chia thời gian 1 ngày thành 24 giờ.
Năm 1884 tại Hội nghị thiên văn học quốc tế ở Oasington (Mỹ) người ta đã thống nhất chia trái đât thành 24 múi giờ. Trong đó múi giờ số 0 ở Luân Đôn, múi giờ số 3 ở Matscova, múi giờ số 8 ở Bắc Kinh, số 7 ở Hà Nội…
Từ khi có đồng hồ người ta tính thời gian trong ngày chủ yếu dựa vào đồng hồ 24 giờ chứ không còn tính theo canh 1, canh 2…. Nữa. Tuy nhiên, khi áp can chi vào giờ thì giờ Tý- tương ứng với thời gian từ 23 giờ ngày hôm trước đến 01 giờ ngày hôm sau của lịch dương. Như vậy, 1 giờ âm lịch bằng 2 giờ dương lịch và 12 giờ trưa sẽ là chính giữa giờ Ngọ. Thế mà có sách lại hướng dẫn người ta tính giờ Tý từ 0 giờ đến 2 giờ???
Tóm lại, Phong Thuỷ là môn khoa học nhưng là tổng hợp của nhiều môn khoa học, nên có những vấn đề đã được giải thích bằng khoa học hiện đại, nhưng có những vấn đề còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Do đó chúng ta cần tiếp thu 1 cách sáng suốt và phải kết hợp với chiêm nghiệm thực tế để không bị nhiễu trước quá nhiều thông tin.
Theo quan điểm và kinh nghiệm của tôi:
Khi xem Phong Thuỷ nhà ở nên theo phái Bát trạch (Bát trạch cổ thư Hán tự) vì phái Bát trạch thuộc trường phái Lý khí, người ta coi trọng về hướng nhà đây là trường phái phổ biến nhất hiện nay và cũng phù hợp với giải thích bằng khoa học.
Còn xem Phong Thuỷ Âm trạch (mồ mả) thì nên kết hợp cả phái Lý khí và phái Hình thể vì trong 5 nguyên tắc chọn đất an táng có: (Long chân, Huyệt đích, Sa bao, Thuỷ bọc và Hướng tốt) đã bao gồm cả phái Lý khí và phái Hình thể.

Đỗ Huy Chúc


Cho chúng tôi biết ý kiến của bạn